Nông sản luôn là thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm nay. Mặc dù nửa đầu năm nay, dù đối mặt nhiều khó khăn do Covid-19 song XK nông, lâm, thủy sản vẫn thu về kết quả khá ấn tượng với mức tăng truởng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước. “Thừa thắng xông lên”, toàn ngành đặt mục tiêu XK cả năm lên tới 45 tỷ USD, vượt 3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao.
Nông sản đi Mỹ, Trung Quốc tăng mạnh
|
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đóng góp vào thành công đó, có những mặt hàng đạt kim ngạch XK tăng cao gồm: cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng cũng như trị giá XK.
Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đến nay, hơn 200 nghìn tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã được tiêu thụ hết, đánh dấu 1 vụ vải thiều thắng lợi. Dù đối mặt dịch bệnh, năm nay giá bán vải thiều của Bắc Giang vẫn ở mức cao và tương đương những năm không có dịch. Doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước tính đạt khoảng 6.800 tỷ đồng (năm 2020 doanh thu này khoảng 4500 tỷ đồng). Thị trường tiêu thụ duy trì ở cả trong nước và XK. Vải thiều Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi cả ở những thị trường “khó tính” như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản. Điều đó không ngoài nguyên nhân nào khác chính là chất lượng quả vải được khẳng định.
Về mặt thị trường, 4 thị trường NK nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong đó 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc được duy trì tốt. Mỹ hiện là thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch XK trong nửa đầu năm nay khoảng 6,7 tỷ USD (tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 27,9% tổng trị giá XK). Tiếp đó, Trung Quốc là thị trường XK lớn thứ 2, với kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản khoảng 4,75 tỷ USD (tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 19,6% tổng trị giá XK).
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, để đạt được kết quả cao trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ đã chỉ đạo thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước như: Peru, Australia…; phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường XK trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Trung Quốc…
Một yếu tố khác được đề cập tới là Bộ NN&PTNT hỗ trợ Tập đoàn Central Retail, trao đổi với tham tán nông nghiệp kết nối với các địa phương, DN để XK vải thiều đạt tiêu chuẩn XK sang các thị trường EU, Thái Lan; đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy XK trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU…
Dù vậy, lãnh đạo Vụ Kế hoạch cũng cho biết, hạn chế điển hình trong nửa đầu năm nay là việc triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trong giai đoạn hậu dịch Covid-19 còn chậm do tình hình diễn biến phức tạp, nhiều nước còn phong tỏa, hạn chế đi lại.
Nâng mục tiêu xuất khẩu lên 45 tỷ USD
Với những kết quả khả quan đạt được trong 6 tháng qua, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cả năm 2021 sẽ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3 – 3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2 – 3,5%. Đáng chú ý, tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản năm 2021 cán đích khoảng 45 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 3 tỷ USD).
Để đạt được mục tiêu như trên cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực XK có triển vọng và khả năng tăng trị giá XK cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch XK cả năm. Cụ thể, XK nông sản chính đạt 21,5 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ đạt 14 tỷ USD; thủy sản đạt 8,5 tỷ USD; các mặt hàng khác đạt khoảng 1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ thêm, trong nửa cuối năm Bộ NN&PTNT sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển mạnh thị trường XK thông qua tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là FTA Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP); kịp thời giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa tại các cửa khẩu XK sang thị trường Trung Quốc (các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi…).
Đáng chú ý với thị trường XK hàng đầu là Mỹ, một số chuyên gia nông nghiệp đánh giá, cần theo dõi sát sao và có phương án kịp thời liên quan áp dụng Luật Farm Bill trong thủy sản, nguồn gốc hợp pháp gỗ và sản phẩm gỗ, điều tra chống bán phá giá đối với mật ong…, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản hai bên. Với thị trường Trung Quốc, cần đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa XK chính ngạch các nông sản có giá trị và tiềm năng như: khoai lang, sầu riêng, ớt, chanh leo, bưởi, dừa…
“Mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu sản phẩm bổ sung với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu hay Trung Đông; lựa chọn và đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN… cũng là giải pháp quan trọng trong thời gian tới”, lãnh đạo Vụ Kế hoạch nhấn mạnh.
Từ góc độ cụ thể của ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian tới, ngành thủy sản sẽ tập trung phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực như: Tôm sú, tôm chân trắng, cá tra và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Các địa phương tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi.
“Tổng cục sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Ngoài câu chuyện gỡ khó ở thị trường XK, đại diện Bộ NN&PTNT cũng đặc biệt nhấn mạnh vào giải pháp tập trung phát triển, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử; đẩy mạnh kết nối các DN nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản…
Theo Haiquanonline