Mô hình Dropshipping là một khái niệm kinh doanh mới xuất hiện gần đây. Tuy nhiên lại được rất nhiều người ưa chuộng vì tính linh động và khả năng mang lại lợi nhuận mà không cần tốn nhiều chi phí.
Trong bài viết này, Haiphonglogistics sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về khái niệm mô hình Dropshipping là gì? Mô tả cụ thể về hình thức kinh doanh này cũng như những ưu và nhược điểm của Dropship. Từ đó bạn có thể cân nhắc áp dụng vào mô hình kinh doanh của mình để tối ưu hóa lợi nhuận.
Contents
2. Định nghĩa Dropshipping là gì?
Drop Shipping tiếng anh là từ được dùng phổ biến. Nếu dịch sang tiếng Việt là vận chuyển thả. Nhưng hầu như mọi người đều giữ nguyên bản là Drop shipping để nói về mô hình kinh doanh mới này.
Dropshipping trên wikipedia được diễn giải là một phương thức quản lý, vận hành trong chuỗi cung ứng. Theo đó, phương thức bán lẻ này cho phép cửa hàng/người bán không cần lưu trữ hàng hoá trong kho. Họ chỉ cần liên kết với với một nhà bán buôn hoặc đơn vị sản xuất. Họ cũng như người trung gian, trực tiếp rao bán hàng, giới thiệu, quảng cáo và thực hiện giao dịch với khách hàng.
Sau khi có đơn hàng, những cá nhân, doanh nghiệp theo mô hình Drop shipping sẽ chuyển các thông tin cần thiết của người mua hàng cho nhà sản xuất. Và nhà sản xuất sẽ trực tiếp soạn hàng, giao tới khách. Cuối cùng, người làm Dropshipping sẽ nhận được hoa hồng, chiết khấu từ nhà bán buôn, hoặc là một khoản tiền chênh lệch giữa giá bán lẻ và bán buôn.
Có thể nói mô hình Dropshipping là một phương thức kinh doanh mới, nhưng vì tính hiệu quả nên nhanh chóng trở nên phổ biến. Điểm đặc biệt của mô hình kinh doanh này là người bán không phải mất vốn để trữ hàng, không cần bận tâm về vấn đề hàng tồn kho, hàng lưu kho, vận hành kho, xử lý đơn hàng,… Các khâu này do nhà sản xuất, hoặc chủ hàng chịu trách nhiệm. Người bán hàng chỉ cần rao bán, và thực hiện thanh toán với khách. Thậm chí, người bán hàng dù có thể rất am hiểu về sản phẩm, có nhiều hình ảnh và thông tin, nhưng đôi khi họ chỉ có hàng mẫu, hoặc có khi không hề nhìn thấy sản phẩm trực tiếp, cũng như không tham gia vào các bước soạn hàng, giao hàng.
2. Tình huống dropshipping cụ thể
Để bạn có thể dễ dàng hình dung về mô hình dropshipping, SEC Warehouse sẽ đưa ra ví dụ cụ thể như sau: Một doanh nghiệp dropshipping A chuyên phân phối mặt hàng giày dép từ một nhà sản xuất B ở tỉnh Bình Dương. Theo đó, doanh nghiệp A này sẽ tạo một website bán hàng chuyên nghiệp, hoặc đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử chuyên cung cấp sỉ giày dép cho các cửa hàng nhỏ. Doanh nghiệp A sẽ được nhà sản xuất cung cấp tất cả các thông tin về sản phẩm của họ, như hình ảnh, mô tả, giá bán,…
Ngoài ra, doanh nghiệp A cũng có thể đầu tư thêm một showroom để trưng bày sản phẩm với các hàng mẫu của công ty B (nếu muốn).
Việc của công ty A lúc này là đăng bán sản phẩm trên website, tư vấn khách hàng khi có người hỏi mua sản phẩm. Và khi khách hàng chốt mua hàng, doanh nghiệp A sẽ lưu lại thông tin như địa chỉ giao hàng, mẫu mã hàng, số lượng, sau đó chuyển cho nhà sản xuất B ở Bình Dương. Công ty B ở Bình Dương sẽ dựa theo đơn hàng của công ty A mà soạn hàng theo yêu cầu và gửi tới địa chỉ của khách hàng. Việc thanh toán cho người giao hàng, hay cho bên A sẽ tùy trường hợp mà xử lý. Lúc này, đơn hàng đã được hoàn tất. Bên A và bên B sẽ tiến hành thanh toán chi phí lại cho nhau dựa trên thỏa thuận từ trước.
Lưu ý, khâu chăm sóc khách hàng sẽ do bên A trực tiếp chịu trách nhiệm. Trong trường hợp khách hàng có khiếu nại hoặc phản hồi gì về sản phẩm, bên A sẽ báo cho bên B để tìm cách xử lý phù hợp. Nhưng vấn đề giao dịch với khách, vẫn sẽ do bên A xử lý trực tiếp, khách hàng sẽ không biết tới bên B.
3. Ưu điểm của dropshipping
Dropshipping có khá nhiều ưu điểm, chính vì thế mà nhanh chóng chiếm được “cảm tình” của người kinh doanh và ngày càng phổ biến rất thích hợp cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp đang có ý định “khởi nghiệp”. Dưới đây là những ưu điểm nổi bật của mô hình Dropshipping.
-
Cần rất ít vốn
Vốn cho hoạt động Dropshipping là rất ít, hoặc thậm chí là không cần vốn. Bởi bạn sẽ không cần mua hàng trữ sẵn, cũng không cần bận tâm tới vấn đề quản lý hàng tồn kho, hư hại, hàng hết hạn,,… Nguồn hàng chính là những người chịu trách nhiệm về vấn đề này. Và tất cả việc bạn cần làm là cần chút chi phí để thực hiện marketing online như đầu tư cho website, hoặc tạo gian hàng trên các kênh Thương mại điện tử. Vậy là xong, sau đó chỉ cần dành thời gian đăng bán sản phẩm, tư vấn khách hàng.
-
Việc kinh doanh trở nên thật đơn giản
Nếu việc kinh doanh truyền thống cần rất nhiều thời gian và phải suy tính đau đầu cho các việc như: cập nhật lượng hàng thường xuyên, thống kê hàng tồn kho hàng ngày, chuẩn bị cho khâu sản xuất hoặc nhập hàng, cân đối xuất nhập hàng, quảng bá sản phẩm, tư vấn khách hàng, soạn hàng và giao hàng cho khách, xử lý hàng tồn kho hoặc hàng có vấn đề, thuê kho và thanh toán phí thuê kho hàng tháng, xử lý mối mọt và vệ sinh kho định kỳ, quản lý các vấn đề về ngân sách,…
Quả thực có quá nhiều thứ cần bận tâm theo phương thức sản xuất kinh doanh truyền thống. Nhưng với Dropshipping thì bạn chỉ cần làm 2 việc nhỏ trong đó: quảng bá sản phẩm và tư vấn, chăm sóc khách hàng. Việc kinh doanh Dropshipping trở nên thật đơn giản.
-
Kinh doanh đa dạng sản phẩm
Với mô hình Dropshipping, bạn không bị bó buộc vào một loại hàng hóa nào nhất định. Vì bạn có quyền lựa chọn nhà cung cấp, nên có thể đồng thời hợp tác với nhiều nhà cung cấp và bán nhiều sản phẩm cùng lúc không giới hạn. Như vậy, hàng hóa của bạn sẽ trở nên thật đa dạng và thu hút khách hàng hơn.
Chẳng hạn, nếu người kinh doanh truyền thống thường chỉ chuyên môn hóa vào một mặt hàng nhất định như quần áo, hoặc giày dép (vì bán đồng thời thường cần rất nhiều vốn). Thì với Dropshipping, bạn có thể liên kết với nhà cung cấp A kinh doanh quần áo, nhà cung cấp B bán giày dép, nhà cung cấp C chuyên các phụ kiện như túi xách, nón mũ,… Thật tuyệt vời vì khách hàng có thể lên “gian hàng” của bạn và mua nhiều thứ cần thiết cùng lúc mà không phải tìm ở quá nhiều nơi.
-
Kinh doanh không cần văn phòng, cửa hàng, nhà kho
Khi kinh doanh Dropshipping, bạn không cần thuê văn phòng, trụ sở, không cần cửa hàng trưng bày, không cần kho lưu hàng. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Bạn chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối internet để giám sát “gian hàng online” của mình.
-
Linh động về thời gian, địa điểm
Với chiếc máy tính có kết nối wifi, 4G, bạn đã có thể thực hiện công việc của mình ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào. Quả là một công việc lý tưởng dành cho những người thích xê dịch và không muốn bị bó buộc với giờ hành chính.
- Nhược điểm của dropshipping
Song song với ưu điểm, thì Dropshipping cũng có một số nhược điểm. Vì thế trước khi bước chân vào mô hình kinh doanh mới này, bạn cần chắc chắn rằng mình đã tìm hiểu kỹ, và có thể chấp nhận – hoặc có giải pháp cho các nhược điểm của Dropshipping. Dưới đây là một số nhược điểm tiêu biểu của Dropshipping:
- Lợi nhuận không cao
Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp ra đời, và khi khách hàng ngày càng thông thái hơn, thì môi trường kinh doanh cũng tăng dần tính cạnh tranh.
Khách hàng với sự hỗ trợ của internet, sẽ dễ dàng so sánh giá từ nhiều đơn vị. Và họ thường bị thu hút bởi những nơi bán sản phẩm giá tốt hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải để mức giá thật cạnh tranh mới có thể lôi kéo khách hàng. Và khi bạn để giá càng thấp, càng nhiều ưu đãi, thì lợi nhuận của bạn cũng sẽ thấp hơn.
- Khó kiểm soát hàng tồn kho
Mặt hàng A còn hay hết, số lượng còn bao nhiêu, còn những màu nào và kích cỡ/màu sắc nào? Đó là điều mà chỉ nguồn hàng mới có thể nắm được. Bạn không cần quản lý hàng tồn kho, đó là một lợi thế, nhưng nhược điểm là bạn không thể biết được tình hình hàng tồn kho đang như thế nào. Sẽ xảy ra hai tính huống như sau:
Thứ nhất, bạn đồng thời vừa tư vấn khách, vừa phải check lại với bên nguồn hàng. Việc này khá mất thời gian, và khiến bạn trở nên kém chuyên nghiệp.
Thứ hai, bạn nghĩ rằng vẫn còn hàng và tự tin tư vấn khách, sau đó nhanh chóng chốt đơn. Nhưng khi check lại thì hàng tạm thời hết, phải chờ đợt hàng mới. Vậy là bạn phải xin lỗi khách, rồi hủy hoặc dời đơn hàng.
- Rắc rối khâu giao hàng
Nếu bạn chọn dropshipping cho nhiều nhà cung cấp khác nhau, thì khi khách hàng chọn mua nhiều sản phẩm của nhiều đơn vị, thì quả là “rối não”. Ví dụ, khách lên website của bạn và chọn mua chiếc váy của nhà cung cấp A, mua đôi giày của nhà cung cấp B, cùng với một túi xách của nhà cung cấp C – thì đương nhiên bạn không thể bắt khách chịu phí ship cho tất cả 3 đơn hàng này, hoặc bắt họ nhận hàng nhiều lần. Cách tối ưu mà nhiều đơn vị làm dropshipping chọn, đó là gom 3 sản phẩm về và giao cho khách một lần. Nếu nhiều đơn hàng như vậy thì có vẻ sẽ khá rối. Vì thế bạn cần sắp xếp sao cho thật khoa học và tiết kiệm.
- Khó xử lý vấn đề phát sinh
Vì bạn không phải là nhà sản xuất, cũng như không phải đơn vị giao hàng, nên bạn sẽ không kiểm soát được vấn đề hàng lỗi, hàng móp méo, giao nhầm hàng, thái độ nhân viên giao hàng,…Tuy nhiên khách hàng mua hàng từ bạn, được bạn tư vấn, nên khi có bất cứ vấn đề phát sinh nào, người đầu tiên họ nghĩ tới là bạn. Do đó, bạn cần làm việc thật kỹ với đơn vị nguồn hàng về chính sách dropship, xây dựng các kịch bản xử lý khi có sự cố,… Có như vậy mới đảm bảo uy tín của doanh nghiệp.
5. Quy trình 6 bước dropshipping cơ bản
Vậy muốn làm dropshipping thì cần làm gì? Các bước để tham gia vào dropshipping? Dưới đây là quy trình 6 bước cơ bản giúp bạn dễ dàng nắm bắt về mô hình dropshipping:
Bước 1: Lựa chọn nhà cung cấp và thỏa thuận: Bạn sẽ lựa chọn lĩnh vực kinh doanh, và sao đó chọn lựa đơn vị cung cấp phù hợp với mong muốn của mình. Theo đó cần đàm phán kỹ về mức chiết khấu, cách thanh toán, phương thức giao hàng, cách xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có),.. Lưu ý, đây là bước rất quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bạn về sau.
Bước 2: Tìm kênh bán hàng phù hợp. Hiện nay có khá nhiều kênh thương mại điện tử để bạn chọn lựa khi muốn gia nhập kinh doanh dropshipping. Có thể kế tới như Ebay, Dropshipping Amazon, Dropshipping Shopify, Dropshipping Shopee,…
Bước 3: Tư vấn khách hàng: Khách hàng khi lên “gian hàng” online của bạn sẽ đặt mua hàng, hoặc liên hệ hỏi về sản phẩm. Nhiệm vụ của bạn là tư vấn khách, chốt đơn. Khách hàng sẽ thanh toán cho bạn qua tài khoản ngân hàng, Paypal, Payoneer hoặc kênh thanh toán khác tùy thỏa thuận.
Bước 4: Liên hệ nguồn hàng: Việc tiếp theo bạn cần làm là liên hệ nguồn hàng, chuyển thông tin đơn hàng để họ soạn hàng, đóng gói giao cho khách.
Bước 5: Theo dõi đơn hàng: Hãy giám sát đơn hàng và chắc chắn rằng nhà cung cấp giao hàng cho khách của bạn đúng loại, đúng thời gian,… Cũng đừng quên chăm sóc khách hàng của bạn, liên hệ hỏi về đánh giá sản phẩm. Góp ý của họ sẽ giúp dịch vụ, sản phẩm của bạn được hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, giải quyết các vấn đề phát sinh nếu có.
Bước 6: Thanh toán: Thông thường khách hàng sẽ thanh toán tiền sản phẩm cho bạn. Sau đó bạn sẽ chuyển tiền lại cho nhà cung cấp và giữ lại phần chênh lệch. Tuy nhiên cũng sẽ có nhiều đơn vị yêu cầu thanh toán trực tiếp cho họ, và sau khi hoàn tất đơn hàng sẽ thanh toán hoa hồng cho người bán. Vấn đề này tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên.
Có thể nói, dropshipping là một phương thức kinh doanh “thức thời”, phù hợp với thời đại 4.0. Tuy nhiên để tham gia vào, cá nhân hoặc doanh nghiệp cần có sự hiểu biết nhất định, nhanh nhạy với thị trường, kiên nhẫn và chịu khó. Nếu bạn đã sẵn sàng, thì bắt tay vào làm thôi! Chúc bạn thành công!