Hướng tới dịch vụ logistics tầm cỡ quốc gia, quốc tế tại Hải Phòng
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, phát triển dịch vụ logistics là một trong những mục tiêu, đồng thời cũng là giải pháp để Hải Phòng vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại. Thực hiện mục tiêu này, thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển logistics, xây dựng Hải Phòng có hệ thống trung tâm logistics đồng bộ và hiện đại làm nền tảng phát triển.
Kỳ 1: Khai thác tiềm năng, phát triển đa dạng
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, phát triển dịch vụ logistics là một trong những mục tiêu, đồng thời cũng là giải pháp để Hải Phòng vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa, trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại. Thực hiện mục tiêu này, thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển logistics, xây dựng Hải Phòng có hệ thống trung tâm logistics đồng bộ và hiện đại làm nền tảng phát triển.
Tiềm năng logistics chưa được khai thác, phát huy tốt
Theo Bộ Giao thông-Vận tải, Hải Phòng là dầu mối giao thông của phía Bắc với đủ 5 loại hình giao thông gồm đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa. Tại Hải Phòng có nhiều doanh nghiệp cảng, vận tải, xuất nhập khẩu, tiềm năng về phát triển logistics hàng đầu cả nước. Các doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài đến với Hải Phòng đầu tư phát triển logistics liên tục gia tăng. Cho đến nay, địa bàn Hải Phòng có hơn 500 DN hoạt động logistics, trong đó có nhiều trung tâm logistics lớn như: trung tâm logistics của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, GSL, DH, Yusen, Hải An…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển logistics tại Hải Phòng vẫn còn hạn chế do DN hoạt động dịch vụ logistics tại Hải Phòng manh mún, thiếu kinh nghiệm, chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản. Phần lớn các DN vừa và nhỏ, năng lực tài chính và khả năng cung cấp dịch vụ logistics rất hạn chế, chủ yếu là vận tải hàng hóa. Nhiều DN cung cấp dịch vụ trên hệ thống sẵn có (cấp độ 1PL) và chỉ tham gia vào 1 phần của chuỗi logistics như: làm thủ tục, xếp dỡ, kho bãi, vận chuyển…, làm thuê cho các DN logistics lớn. Do đó, cần quy hoạch phát triển logistics của thành phố Hải Phòng để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, điều chỉnh hướng phát triển chung.
Ngày 14-3-2019, UBND thành phố có quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển mạng lưới trung tâm logistics đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu trong khu vực và quốc tế.
Xây dựng 17 loại dịch vụ trong chuỗi logistics
Theo quy hoạch, đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Hải Phòng phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics nhằm nâng cao giá trị dịch vụ logistics đối với mỗi tấn (công-ten-nơ) hàng hóa thông qua các cảng. Từ nay đến năm 2030, Hải Phòng xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics, bao gồm: xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát, đại lý vận tải, đại lý thủ tục Hải quan, dịch vụ khác, hỗ trợ bán buôn, vận tải dịch vụ biển, vận tải dịch vụ đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, vận tải đa phương thức, kiểm định, dịch vụ hỗ trợ vận tải…
Phó giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Hoàng Triệu Hùng cho biết, trước mắt, thành phố tập trung phát triển các dịch vụ logistics chính, trực tiếp phục vụ hệ thống cảng biển và sân bay, bao gồm: vận tải hàng hóa, đại lý làm thủ tục Hải quan, vận tải hàng hóa thuộc vận tải biển, vận tải đa phương thức. Các loại dịch vụ này chiếm khoảng 57% tổng chi phí logistics. Tiếp đó hỗ trợ cho các dịch vụ khác như: kho bãi công-ten-nơ (chiếm chi phí khoảng 20%), xếp dỡ công-ten-nơ (chi phí chiếm 11%) và các dịch vụ khác (chiếm 12% tổng chi phí logistics)…
Trên nền tảng của sự phát triển, bước tiếp theo thành phố Hải Phòng chuyển hóa loại hình dịch vụ logistics tự cấp, tự có (1PL) sang tập trung hoàn thiện loại hình dịch vụ 2PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 2) và ưu tiên phát triển dịch vụ 3PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 3 hoặc theo hợp đồng) vào năm 2020. Sau năm 2020, tập trung chuyển đổi loại hình dịch vụ 2PL, 3PL và ưu tiên phát triển cấp cao hơn như 4PL (nhà cung cấp logitics chủ đạo) và 5PL (cung cấp dịch vụ cho bên thứ 5)…. Việc mạnh dạn đưa cấp 4PL, 5PL vào quy hoạch thể hiện điểm rất mới và quyết tâm của thành phố Hải Phòng hướng đến dịch vụ logistics chuyên nghiệp. Sự thành công của logistics là càng cung cấp chuỗi dịch vụ cho đối tác càng cuối cùng càng tốt, đó mới là lớn mạnh.
Mở rộng các hành lang vận tải
Để phát triển lĩnh vực logistics tại Hải Phòng xứng tầm với tiềm năng, lợi thế, khẳng định vị thế trong cả nước, việc quy hoạch, mở rộng các hành lang vận tải, hỗ trợ lưu thông hàng hóa đóng vai trò quan trọng. Theo lãnh đạo Sở Giao thông-Vận tải, thành phố đang tiến hành quy hoạch 3 hành lang vận tải hàng hóa đi/đến thành phố bao gồm: tuyến Hải Phòng-Hà Nội nối với nhánh Lào Cai đi Vân Nam (Trung Quốc) và nối với nhánh Lạng Sơn đi Quảng Tây (Trung Quốc). Tuyến thứ 2 là Hải Phòng-Hạ Long-Móng Cái và tuyến thứ 3 là Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình.
Trong số này, tuyến Hải Phòng-Lào Cai, Lạng Sơn đi Trung Quốc được bố trí 3 phương thức vận chuyển gồm: đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Tuyến đường bộ đi theo hướng quốc lộ 5 (hoặc đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng)-Quảng Ninh, tuyến đường trục đô thị Hải Phòng, tuyến liên tỉnh Kinh Môn-Thủy Nguyên.
Tuyến Hải Phòng-Móng Cái vận chuyển theo đường bộ và đường thủy nội địa, trong đó đường bộ từ Đình Vũ đến quốc lộ 10-đường ven biển. Tuyến Hải Phòng-Ninh Bình cũng theo đường bộ và đường thủy nội địa, sau năm 2030 sẽ xây dựng đường sắt…Ngoài ra, một số tuyến sẽ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Để hành lang đường bộ phát triển, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án như: dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng, dự án xây dựng nút giao thông Nam cầu Bính, dự án xây dựng cầu sông Hóa… và chuẩn bị xây dựng cầu Quang Thanh, cầu Dinh, cầu Bến Rừng… Quá trình vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi là một trong những yếu tố cấu thành để nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tái cơ cấu dịch vụ vận tải hàng hóa theo hướng giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, hội nhập quốc tế…/.
Kỳ cuối: Dành nguồn lực mạnh đầu tư
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị chỉ rõ: Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại bằng các loại hình giao thông. Để thực hiện mục tiêu này, nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có quy hoạch, xây dựng các khu ligistics lớn gắn với cảng biển, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh. Theo quy hoạch phát triển logistics Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố sẽ đầu tư 6 trung tâm lớn, giữ vai trò đầu mối, từng bước hoàn thiện chuỗi hoạt động logistics để vươn tầm quốc gia, khu vực và trên thế giới.
Hình thành các trung tâm lớn, hiện đại
Theo lãnh đạo Công ty TNHH CBRE (Việt Nam), Hải Phòng có nền tảng và tiềm năng để trở thành một trung tâm logistics chính của Việt Nam và trong tương lai là điểm trung chuyển của mạng lưới logistics khu vực và toàn cầu. Hạ tầng giao thông của Hải Phòng dần đồng bộ, tuy nhiên còn thiếu những trung tâm logistics lớn đóng vai trò điều phối cấp thành phố và quốc gia. Do đó, để phát triển logistics trong tương lai, thành phố cần xây dựng được các trung tâm logistics lớn mới có thể tạo đột phá hỗ trợ ngành này phát triển. Các trung tâm này sẽ đưa logistics Hải Phòng vươn lên mạnh mẽ và trở thành địa phương hàng đầu cả nước về dịch vụ này, đồng thời vươn tầm quốc tế; không chỉ giữ vai trò kết nối, mà còn là “trọng tài” mang tính chất điều phối hoạt động này.
Hiện nay Hải Phòng có khoảng 20 trung tâm logistics, nhưng phần lớn là nhỏ, chỉ phục vụ được một hoặc một vài DN; chỉ tham gia vào một vài hoạt động trong chuỗi logistics. Do đó, giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch, từ nay đến năm 2020, Hải Phòng đặt mục tiêu hình thành 4 trung tâm logistics với tổng lượng hàng hóa qua các trung tâm đạt khoảng 71,6 triệu tấn/năm (trong đó đạt 4,01 triệu teu công-ten-nơ/năm), đảm nhận 40-50% tổng lượng hàng có nhu cầu dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố. Đây là bước tiến nổi bật của thành phố Hải Phòng trong sự tăng trưởng logistics quốc gia, bởi hiện nay lượng hàng hóa điều phối bởi các trung tâm logistics còn quá ít.
4 trung tâm logistics lớn được quy hoạch bao gồm: 1 trung tâm cấp vùng là trung tâm logistics Nam Đình Vũ tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (phía Đông); 3 trung tâm cấp thành phố tại Lạch Huyện (phía Đông Nam), khu VSIP tại Khu công nghiệp VSIP (phía Đông Bắc) và khu Tràng Duệ tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (phía Tây). 4 trung tâm này sẽ đóng vai trò tiếp nhận, giải quyết vận chuyển, lưu thông hàng hóa đường bộ, cảng biển và đường hàng không.
Đến năm 2025, Hải Phòng quy hoạch thêm 2 trung tâm tại huyện Tiên Lãng và sân bay Cát Bi nâng tổng số lên 6 trung tâm logistics. Hải Phòng sẽ tiếp tục nâng cấp 6 trung tâm lên hiện đại, nhằm hỗ trợ tổng lượng hàng hóa thông qua lên đến 140,35 triệu tấn/năm, đảm nhận 60-65% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố.
Bảo đảm mặt bằng, nguồn vốn để phát triển
Các trung tâm logistics được đầu tư xây dựng mới sẽ là động lực thu hút và điều phối hàng hóa của các cảng Hải Phòng; thu hút lượng hàng qua cảng ngày càng tăng cao, đáp ứng nhu cầu trung chuyển dịch vụ hàng hóa cho quốc gia và thế giới. Hình thành các trung tâm logistics lớn còn giúp giảm thiểu chi phí dịch vụ, khuyến khích các khu vực cung ứng dịch vụ logistics đang hoạt động tiếp tục hoạt động có hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh và sự chuyên nghiệp. Do đó, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng đất để đáp ứng theo nhu cầu phát triển lĩnh vực này.
Cụ thể, đến năm 2020, thành phố phấn đấu dành khoảng 1.891,5 ha đất để xây dựng theo quy hoạch phát triển logistics. Đến năm 2025, diện tích này là 2.061 ha và đến năm 2030 2.165 ha. Theo các chuyên gia, với diện tích đất lớn dành cho phát triển logistics, xây dựng 6 trung tâm tầm cỡ, Hải Phòng sẽ trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về ưu tiên phát triển dịch vụ logistics. Phát huy lợi thế của Hải Phòng là các vùng đất ven biển đang trong quá trình “cảng hóa”, việc hình thành những trung tâm logistics lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ đưa thành phố trở thành địa phương có hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp, thu hút đầu tư và đặc biệt, nguồn tiền, nguồn hàng đổ vào thành phố ngày càng lớn. Các chuyên gia cũng cho rằng, với 44 cảng biển, trong đó mới chỉ đưa vào hoạt động 2 bến cảng nước sâu, năm 2018 Hải Phòng đạt 110 triệu tấn hàng hóa qua cảng. Năm 2020, khi cảng tiếp tục được mở rộng về phía biển, kết hợp với 4 trung tâm logistics tầm cỡ, lượng hàng hóa qua cảng sẽ vượt xa con số trên.
Lợi thế hơn nữa là hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ đầu tư vào Hải Phòng khi triển khai tiếp các dự án cảng tại Lạch Huyện…Trong đó, nguồn vốn thành phố dành cho phát triển logistics tiếp tục tăng trưởng theo từng giai đoạn. Theo quy hoạch, hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ được đầu tư để phát triển logistics Hải Phòng. Cụ thể, giai đoạn 2018-2020 lên đến 3.555 tỷ đồng, (trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 15%); giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn đạt hơn 9.000 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 18%); giai đoạn 2026-2030, nhu cầu vốn là 4.500 tỷ đồng (nhà nước hỗ trợ 20%). Nguồn kinh phí do nhà nước hỗ trợ chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Còn lại huy động mọi nguồn lực của xã hội bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Để vươn tầm quốc tế trong thời đại công nghiệp 4.0, phát triển logistics Hải Phòng sẽ kéo theo việc hoàn thiện ứng dụng công nghệ mới trong logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp. Mặt khác, còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thành phố Hải Phòng, xây dựng E-logistics kết nối với hệ thống “một cửa quốc gia” và “một cửa ASEAN”…
Mục tiêu quy hoạch logistics Hải Phòng đề ra đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng 25-30%/năm, đến năm 2025 tăng trưởng 30-35%/năm, đến năm 2030 duy trì tăng trưởng 30-35%/năm. Giai đoạn 2020-2030, các trung tâm logistics mới đảm nhận từ 40% đến 70% lượng hàng hóa có nhu cầu cung ứng dịch vụ logistics. Tỷ lệ logistics thuê ngoài (các nhà cung ứng thay mặt doanh nghiệp để thực hiện logistics) đạt 40-65%./.
Mai Lâm
baohaiphong.com.vn